Đại hội làng
HỘI ĐỒNG HỌ TRỊNH VIỆT NAM HỌ TRỊNH PHÚ KHÊ
V/v : Xin góp ý dự thảo
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Phú Khê, ngày 16 tháng 10 năm 2018 |
Kính gửi :
Thực hiện kế hoạch tổ chức đại hội họ Trịnh làng Phú Khê – theo nguyện vọng chung của dòng họ, HĐ Họ và Ban tổ chức đại hội xin gửi đến bà con trong họ các văn bản (dự thảo) sau đây:
- Báo cáo hoạt động của dòng họ và phương hướng hoạt động giai đoạn 2018 – 2023.
- Quy ước của họ Trịnh Phú Khê.
- Chương trình, nội dung đại hội.
HĐ họ và ban tổ chức đại hội kính đề nghị :
- Ban liên lạc các chi giúp ban tổ chức xin ý kiến đóng góp rộng rãi của bà con trong chi, tổng hợp mọi ý kiến đóng góp gửi về Ban tổ chức đại hội.
- Các bậc cao niên, những người trong dòng họ góp ý kiến vào dự thảo và gửi trực tiếp về Ban tổ chức đại hội.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Ban tổ chức chậm nhất ngày 30/10/2018. Đại diện BTC tiếp nhận ý kiến đóng góp của quý vị gồm :
- Ông Trịnh Văn Ngạn
- Ông Trịnh Văn Thực
- Ông Trịnh Văn Vệ
Kính mong sự quan tâm đóng góp ý kiến của quý vị.
Trân trọng cảm ơn.
T/M BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI
CHỦ TỊCH HĐHT PHÚ KHÊ
Trịnh Văn Ngạn
DỰ THẢO
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG HỌ VÀ
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2018 – 2023
Phần thứ nhất
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG HỌ
- Đặc điểm tình hình, những thuận lợi khó khăn tác động đến hoạt động dòng họ
- Thuận lợi
- Họ Trịnh Phú Khê là một trong những dòng họ đông dân đinh song chung một Tổ, trên góc độ cùng tổ ở làng là họ đông dân đinh nhất làng.
- Có truyền thống đoàn kết, coi trọng lễ, nghĩa, luôn vươn lên trong mọi lĩnh vực.
- Thế hệ nào cũng có những người con thành đạt, giúp dân giúp nước, có lòng với gia đình, dòng họ .
- Mộ tổ còn giữ được, phả họ cũng được hình thành khá sớm.
- Khó khăn
- Điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, cá nhân trong dòng họ còn có sự khác biệt khá lớn.
- Những người thành đạt thời nay ít có người hồi hương, những người hiện sinh sống tại quê hương chủ yếu tuổi cao và những người chuyên nghề nông.
- Hoạt động dòng họ dựa trên tinh thần tự nguyện nên nhiều lĩnh vực hoạt động còn bị động.
- Những hoạt động truyền thống hàng năm của dòng họ
- Lễ, Tế, dâng hương
Là một trong những dòng họ ở địa phương sớm tổ chức trở lại hoạt động tế tổ theo nghi lễ tế rượu ngoài. Hàng năm, trong họ đã tổ chức thường xuyên được 15 điểm tế, từ họ cái đến các chi, thứ chi. Lễ hội tế tổ ngày 22 và 23 tháng giêng hàng năm đã trở thành truyền thống, thành nề nếp của dòng họ. Lễ tế được tổ chức trang nghiêm, quy mô ngày càng trang trọng phù hợp với điều kiện của dòng họ. Dịp tế tổ cũng đã trở thành ngày hội của Tộc Trịnh Phú Khê. Các ngày lễ trọng trong năm như: Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, ngày xá tội vong nhân, ngày mùng một hay ngày rằm hàng tháng đều tổ chức dâng hương Tiên tổ. Dịp tế tổ ở các chi họ đều có lễ đến dâng hương tại nhà thờ Thủy Tổ. Nhiều gia đình, con cháu khi có việc trọng như: sinh con, thành đạt, ốm đau,.cũng đã đến nhà thờ Tổ dâng hương, con cháu làm ăn sinh sống xa quê có dịp đi qua cũng vào dâng hương Tổ ngày một đông hơn. Tất cả các hoạt động đó thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dòng họ. Đối với các chi cũng đã duy trì được việc tổ chức tế tổ hàng năm, nhiều thứ chi vài năm trở lại đây cũng đã tổ chức tế tổ bằng hình thức tế rượu ngoài vào dịp đầu năm. Mặc dù quy mô tổ chức còn có sự khác nhau, song đều thể hiện lòng thành và sự cố gắng của mỗi người, mỗi gia đình đối với việc tri ân cội nguồn.
- Chăm sóc mộ phần
Khu mộ Thủy Tổ sau nhiều năm phấn đấu, nay đã được tu bổ tương đối hoàn chỉnh, có thể nói đã đạt được tâm nguyện của con cháu là mộ Thủy tổ đã “ Mồ yên, mả đẹp”. Mộ Cụ Bà ở Sơn Tây, với sự cố gắng của con cháu ở Sơn Tây cùng với sự hỗ trợ của gia đình anh Trịnh Văn Long chi Nghệ An mộ cụ Bà cũng đã được tu bổ khang trang. Nhìn chung mộ các cụ từ đời thứ 4 trở xuống đều được các chi tu bổ, giữ gìn chu đáo. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử nhiều mộ thuộc các đời khác nhau trong dòng họ cũng đã bị thất lạc, đến nay vẫn chưa được tìm ra.
- Chăm sóc nơi thờ tự
Nhà thờ Tổ sau khi được xây dựng đã tạo ra không gian tâm linh riêng, bao gồm khu mộ, nhà thờ, sân trước, sau với tường bao quanh tương đối kiên cố. Không gian tuy chưa được rộng rãi như mong muốn, nhưng cũng đã có nơi ổn định để tổ chức lễ tế. Trong nhà thờ cũng đã được con cháu cung tiến tương đối đầy đủ đồ thờ tự, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức lễ tế, dâng hương nói chung. Trong việc này gần 10 năm qua, con cháu trong họ đã huy động được số tiền gần 5 tỷ đồng để mua đất, tổ chức xây dựng nhà thờ, tu sửa mồ mả, tu sửa khuôn viên thờ tự tổ tiên. Tại các đầu chi, cũng như các gia đình trong họ đều rất có ý thức trong việc bố trí nơi thờ tự tổ tiên, ngày càng khang trang cả về hình thức lẫn nội dung phù hợp với điều kiện của mỗi chi, thứ chi hay mỗi gia đình. Nhiều chi, thứ chi, gia đình đã xây dựng nhà thờ tách rời nhà ở, như chi Nghệ An, chi Sơn Tây, các thứ chi như : Ông Ngoãn, Ông Hợp Phớt, Ông Ba Thái, các gia đình như : Ô Thu , Ô Hùng ( Con ô Dũng ),…
- Bổ sung Tộc phả
Từ Phả gốc do cụ Phủ Lý viết năm 1876, đến nay đã được các thế hệ sau đặc biệt là các cụ đời thứ 8, thứ 9 bổ sung thế hệ, bổ sung thông tin một số lần. Tiếc là Phả gốc bằng chữ nho đến nay đang thất lạc, chỉ còn lại các bản dịch. Các chi họ cũng đã, đang rất quan tâm đến việc bổ sung, cập nhật vào phả của chi họ mình. Tuy nhiên, công việc cập nhật phả hệ giữa các chi còn ở mức độ khác nhau, chính vì vậy việc tổng hợp phả họ chưa được kịp thời. Hình thức Phả còn tương đối sơ sài.
- Kết nối dòng họ
Các hoạt động tri ân vẫn là hoạt đông chính hiện nay để tập hợp con cháu trong dòng họ. Thông qua hoạt động tế tổ từ các chi đến họ cái đã giúp con cháu bồi đắp tình thân tộc anh em, cũng như nhận rõ thứ bậc trong dòng họ. Chính sự kết nối đó đã tạo nên sức mạnh để họ ta xây dựng được khuôn viên thờ phụng hiện nay. Bà con trong họ gần xa luôn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi nhà có việc hiếu, hỷ. Đối với họ cái, vừa qua đã tổ chức mừng thọ cho các cụ thọ từ 90 tuổi trở lên, họ cũng đã vinh danh những người có công với dòng họ về xây dựng phả hệ, xây dựng nhà thờ tổ, giữ gìn truyền thống lễ tế. Họ Cái cũng đã động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chi tổ chức lễ tế cho các cụ Đời thứ 4. Đặc biệt, với sự chủ động của Các Ô. Hinh, Chính, Long thứ chi họ Trịnh – đời thứ 5 – ông Trịnh Trang, nhánh họ chuyển lên Yên Định, thuộc Chi 7 – Cụ Vẩy, đã được xác định, anh em đã về nhận tổ.
- Những tồn tại, trăn trở
- Đối với việc Tri ân tiên tổ, mong muốn của dòng họ là các cụ đời thứ 4 sẽ được các chi tổ chức tế rượu ngoài hàng năm. Đến nay, do hoàn cảnh, điều kiện thực tế khác nhau ở từng chi nên việc này cũng chưa thực hiện được thường xuyên.
- Hoạt động từ thiện, giúp đỡ bằng vật chất đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở một số chi làm được nhưng họ cái chưa làm được.
- Công tác khuyến học, khuyến tài, đa số các gia đình, các chi đã và đang làm tốt nhưng họ cái cũng chưa làm được.
- Việc Mừng thọ, Vinh danh người thành đạt, người có công ở họ cái mới chỉ làm được bước đầu.
- Việc kết nối thông tin trong họ để hợp tác, giúp đỡ nhau phát triển vẫn chưa làm được.
- Nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan là do điều kiện, hoàn cảnh còn có sự khác nhau giữa các gia đình, giữa các chi. Một số con cháu trong dòng họ thành đạt nhưng ít có điều kiện thường xuyên về quê, nên chưa có điều kiện tham gia vào các hoạt động dòng họ, hoạt động chi họ.
- Nguyên nhân chủ quan là sự tuyên truyền, thông tin kết nối chưa đến nơi đến chốn nên nhiều thành viên của dòng họ không có được thông tin đầy đủ đã làm mất đi cơ hội tham gia. Mặt khác, một số hoạt động liên kết dòng họ chưa được mở rộng nhiều hơn phạm vi chi họ. Một số sự hiểu lầm nhau giữa người này với người khác về một việc nào đó chưa được các gia đình, các chi cảm thông với nhau một cách kịp thời, đầy đủ để tìm ra hướng giải quyết chung trên tinh thần thân tộc, máu mủ, ruột rà.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG HỌ
GIAI ĐOẠN 2018 – 2023
Nhằm đạt được tôn chỉ, mục đích của dòng họ, trên cơ sở hoàn cảnh thực tế hiện nay, xác định một số nội dung hoạt động của dòng họ như sau :
- Duy trì các hoạt động truyền thống tri ân Tổ tiên
- Các hoạt chung tại nhà thờ Tổ
- Duy trì tế rượu ngoài tại nhà thờ tổ vào ngày 22 và 23 tháng Giêng hàng năm. Trong đó tối 22 tế nữ quan, sáng 23 tế chính. Kết hợp với tổng kết việc họ trong năm.
- Dâng hương có lễ vật vào các ngày: 01 tết dương lịch, ngày 30, ngày mùng một và ngày mùng 3 tết âm lịch, Lễ làng tháng 2, Tết Thanh Minh, Lễ xá tội vong nhân, các ngày mùng 1, ngày Rằm hàng tháng. Các ngày còn lại trong năm do thủ từ dâng hương mỗi ngày (thủ từ tại nhà thờ do HĐ họ thuê người trong họ đảm nhiệm với mức thù lao 1.000.000 đ/tháng – từ tháng 10/2018 ông Trịnh Quang Chi Cụ Án – nhà ông Hợp Phớt đã cung tiến kinh phí).
- Hoạt động tại các chi họ.
Phấn đấu duy trì tế rượu ngoài cho đời thứ 4, khuyến khích các thứ chi tổ chức lễ tế hàng năm, tại các chi tế Yết có thể tế nữ hoặc nam quan tùy thuộc tình hình thực tế mỗi chi.
- Tổ chức các hoạt động gắn kết dòng họ.
- Mừng thọ người cao tuổi.
Hàng năm, tại ngày giỗ tổ ,Họ cái tổ chức mừng thọ cho các cụ thọ từ 90 tuổi trở lên ( Bao gồm nam ,nữ họ Trịnh và dâu họ Trịnh). Vận động, khuyến khích các chi, thứ chi tổ chức mừng thọ người cao tuổi.
- Tôn vinh người đạt thành tích cao trong công tác (những người nhận được huân chương,nhận học hàm tiến sỹ, học vị giáo sư, phó giáo sư, được bổ nhiệm vị trí cao hơn trong cơ quan công tác,.. ) người có đóng góp tích cực với dòng họ, chi họ trên từng lĩnh vực.
- Công tác khuyến học, khuyến tài.
- Tiếp tục động viên, khuyến khích tất cả các gia đình, các thứ chi, các chi làm tốt công tác khuyến học khuyến tài, thành lập quỹ khuyến học của gia đinh, của chi họ.Đồng thời tổ chức tốt việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu học tập được học tập.
- Vận động thành lập quỹ khuyến học của Tộc Trịnh Phú Khê để: khen thưởng tôn Vinh học sinh, sinh viên đạt thành tích cấp quốc gia trở lên, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được tham gia học tập.
- Hoạt động gắn kết dòng họ.
- Tiếp tục bổ sung phả họ cả về đời thứ, cả về bổ sung những thông tin về Tiền nhân. Vận động các chi họ sớm bổ sung phả hệ, thu thập các thông tin về tiền nhân để làm cơ sở bổ sung phả cả Tộc Trịnh Phú Khê để biên tập in ấn trong năm 2019.
- Tổ chức hệ thống thông tin hai chiều từ mỗi gia đình đến các đầu chi và đến họ Cái để làm tốt công tác nắm bắt, truyền đạt thông tin làm cơ sở cho các hoạt động chung. Xây dựng trang web của dòng họ để kết nối.
- Vận động thành lập quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong họ.
- Xây dựng Phả mộ trong toàn họ để cùng nhau bảo tồn, chăm sóc.
- Những biện pháp chủ yếu
- Củng cố tổ chức ban liên lạc các chi đến hội đồng họ cái. Mọi hoạt động chung đều phải có kế hoạch và thực hiện theo quy ước.
- Tăng cường công tác truyền đạt thông tin dòng họ đến mỗi gia đình, trên cơ sở cặp nhật thông tin về dòng họ đầy đủ, kịp thời.
- Vận động mọi thành viên trong họ quan tâm đến mỗi thành viên trong họ và ngày càng có trách nhiệm trong việc tham gia việc họ theo truyền thống.
- Vận động xây dựng quỹ họ.
DỰ THẢO
QUY ƯỚC CỦA HỌ TRỊNH LÀNG PHÚ KHÊ
( Quy ước này được thông qua tại Đại hội họ Trịnh làng Phú Khê lần thứ nhất ngày .. tháng ..năm 2018 và được ban hành kèm theo quyết định số… của Hội đồng Tộc Trịnh Làng Phú Khê.)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Tên gọi và Biểu tượng
- Gia tộc Trịnh Làng Phú Khê – gọi tắt là Tộc Trịnh Phú Khê, Bao gồm các thế hệ họ Trịnh mang dòng máu từ Thủy Tổ khảo Trịnh Quý Công -Tự Phúc Hiền và Thủy Tổ Tỷ Trịnh Công Chính Thất, Hiệu Từ Niệm .
- Biểu tượng của Tộc Trịnh Phú Khê, lấy biểu tượng của Họ Trịnh Việt Nam và ghi thêm dòng chữ “ Tộc Trịnh Phú Khê “.
Điều 2: Tôn chỉ, mục đích
Tộc Trịnh Phú Khê là tổ chức dòng họ, xã hội, tự nguyện, tập hợp tất cả các thế hệ họ Trịnh thuộc dòng cụ Trịnh Phúc Hiền (Sau đây gọi là Thủy Tổ), dù sinh sống ở trong nước và nước ngoài, vì sự tri ân Tổ Tiên và sự phát triển của mọi thành viên trong dòng họ, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Điều 3: Địa vị pháp lý, trụ sở
Tộc Trịnh Phú Khê là đại gia đình của Thủy Tổ – Trịnh Phúc Hiền, tổ chức cơ sở thuộc Tộc Trịnh Việt Nam, Tộc Trịnh Thanh Hóa và Tộc Trịnh Huyện Hoằng Hóa, hoạt động theo Tộc ước trên cơ sở tuân thủ pháp luật và quy ước của Họ Trịnh Việt Nam; có con dấu riêng và văn phòng đặt tại nhà thờ Tổ – thôn 6 Hoằng Quý, Hoằng Hóa Thanh Hóa.
Điều 4: Phạm vi lĩnh vực hoạt động
Hoạt động của dòng tộc được kết nối đến tất cả những nơi có người trong dòng tộc sinh sống theo vi tôn chỉ, mục đích dòng họ đề ra.
Tộc Trịnh Phú Khê hoạt động tự nguyện, chủ động, tuân thủ pháp luật và nhận sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng Họ Trịnh Cấp trên, có quyền và nghĩa vụ tham gia là thành viên của tổ chức Họ Trịnh cấp trên.
Điều 5: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động.
- Tự nguyện, tự quản.
- Thân ái, dân chủ, bình đẳng, công khai minh bạch, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.
- Tự đảm bảo kinh phí hoạt động.
- Tuân thủ Tộc ước của Tộc Trịnh Phú Khê và quy ước của Tộc Trịnh cấp trên.
CHƯƠNG II
QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ CỦA MỖI THÀNH VIÊN
Điều 6: Quyền hạn
- Mọi người mang dòng máu Thủy Tổ và con dâu, con rể, con nuôi của họ Trịnh, người tự nguyện mang họ Trịnh Phú Khê đương nhiên là thành viên của Tộc Trịnh Phú Khê, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi hoạt động của dòng họ.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của dòng tộc, của mọi thành viên trong dòng tộc và của chính mình.
- Được đến dâng hương tại nhà thờ Tổ bất kỳ lúc nào.
- Được gửi “Bài Vị “ của người thân ở nhà thờ Tổ. Hội đồng dòng họ có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí nơi thờ phụng tại nhà thờ Tổ.
Điều 7: Nhiệm vụ
- Chấp hành Tộc ước.
- Tham gia có trách nhiệm mọi hoạt động của dòng tộc. Các hoạt động hàng năm sau đây được duy trì như nét văn hóa truyền thống của dòng Tộc :
- Tế tổ – bằng hình thức tế rượu ngoài, vào ngày 22 và 23 tháng Giêng hàng năm. Tham gia với các Chi tổ chức tế rượu ngoài với các cụ đời thứ 3 và thứ 4. Khuyến khích các thứ Chi tổ chức tế tổ tiên.
- Dâng hương các ngày lễ trọng tại nhà thờ tổ, các ngày lễ trọng gồm : Từ ngày 30 Tết đến ngày mùng năm Tết Nguyên đán ; Ngày Rằm tháng Giêng ; Ngày lễ Thanh Minh ; Ngày Rằm tháng 7 ; Ngày 23/12 Âm lịch.
- Tham gia xây dựng Tộc phả. Việc ghi Phả để thống nhất trong toàn họ, xác định tên gọi như sau : Thủy Tổ, Tiên Tổ là đời 1;2;3. Phân chi theo đời thứ 4 từ trưởng là chi 1; út là chi 9. Riêng Sơn Tây gọi là chi Sơn Tây. Đời thứ 5 gọi là cành, cành 1 là cành trưởng của chi. Đời thứ 6 là nhánh, đời thứ 7 là chi nhánh…
- Tương thân tương ái lẫn nhau trong dòng họ.
- Tham gia các hội nghị của chi họ, của dòng họ khi được mời.
- Tự nguyện đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải trong phạm vi khả năng của mình để bảo tồn, duy tu, xây dựng nhà thờ Họ ( Từ chi họ và họ cái), mồ mả tổ tiên, và xây dựng quỹ họ. Riêng quỹ họ, hàng năm mỗi đinh đóng góp 5.000 đồng, số tiền này do các chi thu và để lại chi để chi vào việc hương khói.
- Bảo vệ và tiếp tục bồi đắp truyền thống tốt đẹp của dòng họ, bảo vệ tài sản của dòng họ.
- Tham gia quản lý quỹ họ.
CHƯƠNG III-
TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Điều 8: Cơ cấu tổ chức dòng họ gồm:
- Đại hội dòng họ.
- Tộc Trịnh Phú Khê bao gồm 9 chi được phân ra từ đời thứ 4 đến các hộ gia đình.
- Hội đồng Tộc Trịnh Phú Khê.
- Ban cố vấn dòng họ.
- Ban liên lạc các chi.
- Ban kiểm tra .
Điều 9: Đại hội dòng họ: là cơ quan lãnh đạo cao nhất của dòng họ, quyết định mọi kế họach hoạt động của dòng họ, quyết định thông qua, sửa đổi Tộc ước, quyết định nhân sự cũng như chức năng, nhiệm vụ của hội đồng Tộc Trịnh Phú Khê. Đại hội dòng họ 5 năm tổ chức một lần.
Điều 10:
- Hội đồng họ Trịnh Phú Khê: Do đại hội dòng họ bầu ra, là cơ quan thường trực, điều hành mọi hoạt động của dòng họ giữa hai kỳ đại hội. Hội đồng hoạt động theo Tộc ước và quy chế – do hội đồng ban hành. Ban cố vấn dòng họ do hội đồng họ mời, bao gồm những cụ cao niên và những người có kinh nghiệm, có trình độ, có uy tín trong dòng tộc, trong xã hội để giúp hội đồng tổ chức hoạt động của dòng họ.
- Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng:
- Tổ chức Tế Tổ và các kỳ dâng hương tại nhà thờ Tổ.
- Trực tiếp quản lý nhà Thờ, mộ Tổ, tài sản và quỹ Họ.
- Tổ chức cập nhật, bổ sung Phả Họ.
- Đối nội và đối ngoại của dòng họ.
- Chủ động kêu gọi xây dựng quỹ họ và huy động các nguồn lực trong họ, ngoài họ vì mục đích phát triển dòng họ.
- Tổ chức thông tin trong dòng họ.
Điều 11: Ban liên lạc chi họ : Do các Chi bầu ra, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động của Chi họ và là cầu nối giữa chi họ với họ cái.
Điều 12: Ban kiểm tra : Do đại hội bầu ra, có nhiệm vụ kiểm tra thường kỳ hay đột xuất công tác bảo quản, sử dụng tài sản của dòng họ; kiểm tra việc thu chi tài chính của họ. Hỗ trợ các chi về công tác quản lý tài sản, quản lý quỹ ở các chi.
CHƯƠNG IV
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỌ
Điều 12: Tài chính và tài sản của dòng họ :
- Tài sản của dòng họ bao gồm: Phả và các tài liệu liên quan đến dòng tộc; Mồ mả ; nhà thờ và toàn bộ trang thiết bị vật chất được đầu tư cho nhà thờ.
- Quỹ họ được hình thành từ tiền cung tiến của cá nhân, gia đình và các tổ chức trong và ngoài dòng tộc.
Điều 13: Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của dòng họ.
- Mở hệ thống sổ sách để đăng ký, quản lý mọi tài sản và tài chính của dòng họ, hệ thống sổ sách này được coi là tài sản của dòng họ, được lưu lại tại nhà thờ.
- Các chi họ được sử dụng tài sản của dòng họ vào mục đích tế lễ tại chi họ với sự thống nhất của Hội đồng họ.
- Nguyên tắc, nội dung chi từ quỹ họ:
- Nguyên tắc: Quỹ họ chỉ dùng vào việc họ theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và để lại bằng chứng (chứng từ chi tiêu). Hàng năm, ban kiểm tra dòng họ có trách nhiệm kiểm tra thu chi trong năm, lập biên bản kiểm tra có kết luận về nội dung thu chi để báo cáo dòng họ vào dịp tế Tổ.
- Nội dung chủ yếu được chi từ quỹ họ :
+ Các hoạt động tri ân tại nhà Thờ Tổ.
+ Tôn tạo, tu bổ, bổ sung tài sản tại khuôn viên nhà thờ Tổ.
+ Hỗ trợ các chi tổ chức tế Tổ.
+Chi cho các hoạt động cần thiết để bổ sung Phả họ
+Chi Tôn Vinh người trong họ.
+ Chi khuyến học trong dòng họ bao gồm: Khen thưởng và hỗ trợ.
+ Chi hỗ trợ gia đình trong họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
+Chi thắp hương cho người thân trong họ khi quá cố ở từng đời được xác định hàng năm
- Mức chi cho mỗi nội dung tùy thuộc điều kiện thực tế giao cho hội đồng dòng họ xác định cụ thể từng năm và thông báo cho toàn họ được biết.
CHƯƠNG V
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 14: Khen thưởng
- Khen thưởng: Hàng năm, tại ngày giỗ tổ sẽ tổ chức Vinh danh các trường hợp sau :
- Mừng thọ người cao tuổi : Mừng thọ các cụ có tuổi thọ từ 90 trở lên .
- Những người có đóng góp đặc biệt cho dòng họ (Do Hội đồng họp và quyết định)
- Những người đạt thành tích cao trong công tác, học tập.
Điều 15: Kỷ luật : Nhắc nhở trước họ những trường hợp không thực hiện Tộc ước, gây mất đoàn kết trong gia đình, trong dòng họ.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16: Sửa đổi, bổ sung Quy ước của dòng họ
Đại hội dòng họ có quyền sửa đổi, bổ sung Tộc ước.
Điều 17: Hiệu lực thi hành.
Tộc ước có hiệu lực ngay khi Đại hội dòng tộc thông qua và được chủ tịch HĐH ban hành.
DỰ THẢO NỘI DUNG
ĐẠI HỘI HỌ TRỊNH LÀNG PHÚ KHÊ
Lần thứ nhất nhiệm kỳ 2018-2023
Nội dung Đại hội
- Dâng hương tại nhà thờ tổ
- Phần trù bị đại hội: Bầu đoàn chủ tịch và thư ký đại hội.
- Chủ tọa 3
- Thư ký
- Khai mạc và giới thiệu đại biểu , thành phần gồm
- Mời toàn bộ trai, gái và dâu họ Trịnh hiện sinh sống tại Phú Khê ; Đại diện các Chi: Sơn Tây, Nghệ An, Phú Thọ, . con cháu làm ăn xa quê.
- Lãnh đạo 2 xã Phú ,Quý
- HĐ Họ Trịnh Thanh Hóa
- Đại diện các dòng họ ở làng Phú khê: Lê, Nguyễn
- Đại diện ban quản lý 2 chùa ở làng.
Dự kiến thành phần hội đồng gồm :
- 01 chủ tịch HĐ
- 01 phó chủ tịch
- 01 ủy viên kế toán
- Các ủy viên khác là đại diện của đầu các chi , mỗi chi 2 người gồm Tộc trưởng và TB liên lạc chi.
- Dự kiến ban kiểm tra 3 người : Không là chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên kế toán.
- Hội đồng Trịnh Tộc Phú khê nhận nhiệm vụ.
- Thông qua nghị quyết đại hội.
3.Bế mạc.
BTC ĐH